Người tình báo bị Cia cưa cả hai chân
Người chiến sĩ tình báo ngoan cường bị tình báo Cia cưa cả hai chân. Câu chuyên về cuộc đời của người chiến sĩ tình báo Nguyễn Văn Thương là nguồn cảm hứng và lan tỏa đến người đọc tấm lòng trung thành vì dân, vì nước của những người chiến sĩ hi sinh vì độc lập dân tộc.
Thưa quý thầy cô giáo, và các em học sinh yêu quí!
Hôm nay, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phải ý thức được rằng để có được cuộc sống hoà bình, độc lập ngày hôm nay, cha ông ta đã phải trải qua bao gian nan, bao đau thương, máu và nước mắt của bao người đã đổ xuống. Mà ở đó có sự đóng góp máu xương của rất nhiều người, trong đó có một người anh hùng. Người anh hùng đó được giới thiệu trong cuốn sách có tựa đề “Người bị CIA cưa chân 6 lần” do tác giả Mã Thiện Đồng viết theo lời kể của người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương. Sách dày 268 trang, khổ 15x21 cm.
Cuộc đời ông, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tấm lòng kiên trung bất khuất trước kẻ thù; sức chịu đựng hi sinh phi thường của ông là nội dung xuyên suốt của cuốn sách.
Cuốn hồi ký của Nguyễn Văn Thương do tác giả Mã Thiện Đồng viết có đoạn: “Nếu chưa gặp anh, nhiều người ngay ở Việt Nam và cả thế giới đều khó có thể ngờ rằng những chuyện khốc liệt như vậy lại có thể xảy ra trong một đời người. Nhưng đó lại là sự thật. Chi tiết về cuộc đời anh được các cán bộ ngành tình báo biết rất rõ. Sự thật xảy ra ngay trên mảnh đất miền Nam đắng cay chung thủy, mảnh đất miền Nam gan góc dạn dầy đã sinh ra con người như Nguyễn Văn Thương”.
Chuyện khốc liệt ấy là gì? Sự thật ấy là gì?
Cuốn sách tái hiện cuộc đời Nguyễn Văn Thương kể từ khi bị kẻ thù bắt và phát hiện ra ông có hàng chục năm làm tình báo và đang trên đường vận chuyển tài liệu tối mật ra chiến khu. Sau khi ông bị bắt, kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, như: dùng tài sản, gái đẹp, chức tước để mua chuộc ông. “Đây là tấm ngân phiếu 100 ngàn đô la Mỹ. Ông muốn chuyển vào trương mục ngân hàng nào cũng được, tùy ông. “Đây là bộ quân phục hai bông mai trung tá trên vai áo. Và cả ngôi biệt thự này nữa nếu như ông muốn, nó sẽ thuộc về ông”. Đó là những gì mà kẻ thù dùng để mua chuộc ông. Tất cả những mua chuộc, dụ dỗ của kẻ thù đã không lay chuyển được ý chí kiên cường, bất khuất của ông: “Ý chí và niềm tin đã giúp tôi không gục ngã trước danh lợi và đòn roi của kẻ thù”.
Sau 100 ngày ở giữa sự lựa chọn giàu sang, sung sướng hay tù ngục đòn roi, người chiến sĩ Cộng sản đã chiến thắng bản thân, chiến thắng kẻ thù. Ông bắt đầu bước vào một quá trình tra tấn kéo dài của kẻ thù. “Sau những giây phút cân não căng thẳng, anh vẫn không khai, chúng đã lần lượt vặn gãy cả mười ngón chân, đập nát cả hai bàn chân, cưa từng đoạn chân của anh. Mười lăm ngày cưa một lần. 100 ngày cưa sáu lần, sáu đoạn, hết “đôi chân giao liên” Nguyễn Văn Thương như thế! Họ không cho anh chết để giữ lấy cái lưỡi, hy vọng lấy lời khai của người tình báo”. Cuối cùng, một Trung tá CIA đã phải thốt lên: “Ông là một sinh vật bằng thép! Thử sức nhau suốt bảy tháng nay, chúng tôi đã thua ông!”.
Nguyễn Văn Thương không phải là một sinh vật bằng thép, ông là một con người theo đúng nghĩa của từ này. Người Cộng sản không phải là sắt thép. Sở dĩ, Nguyễn Văn Thương cắn răng vượt qua nỗi thống khổ ghê gớm ấy vì như ông nói, ông chỉ được chọn trong hai điều: “Giữ đôi chân hoặc giữ bí mật của cách mạng. Thương dứt khoát chọn điều thứ hai”. Nguyễn Văn Thương đã vượt qua tất cả nỗi đau tưởng chừng không có ở trên đời này bằng suy nghĩ đơn giản: “Mình chịu đựng đau đớn, chịu đựng hi sinh từng phần cơ thể để giữ gìn bí mật, giữ gìn tổ chức, để không phụ lòng tin của Đảng, không phụ lòng tin của dân”.
Sau khi bị cắt cụt hai chân bằng hình thức man rợ đó, Nguyễn Văn Thương được chuyển về nhà giam Hố Nai. Mặc dù vết thương vẫn rỉ máu, nhưng ông vẫn viết truyền đơn gửi cho anh em trong nhà tù. Địch bắt được truyền đơn, tra không ra người viết, chúng biệt giam ông 3 tháng trời trong một chiếc thùng sắt giữa cái nắng như thiêu như đốt. “Với cái thân hình này, qua 15 ngày mà mày còn sống thì tao xin lột lon thiếu tá nghe con”- chính tên chúa trại Hố Nai là Mã Xuân Huy đã nói. Ông không những đã chịu đựng tra tấn khốc liệt như vậy trong 15 ngày mà trong 3 tháng. Sau 3 tháng ở đây, khi được thả ra, ông chỉ còn là một bộ xương nặng gần 20kg. Chúng tiếp tục đày ông ra Phú Quốc. Mãi đến năm 1973, ông mới được trở về đoàn tụ sau Hiệp định Paris.
Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế”, hơn 40 năm nay, thiếu tá Nguyễn Văn Thương vẫn đi lại trên chiếc xe lăn của mình. Ông thường nói chuyện cho thanh niên, học sinh, sinh viên trong các trường học, trong các giờ ngoại khóa, các buổi họp mặt ở nhà văn hóa, đi khắp nơi để vận động thực hiện chính sách thương binh - liệt sĩ, thăm hỏi anh em, bà con, đồng chí, bạn bè.
“Những gì cuộc đời Nguyễn Văn Thương đã trải qua xứng đáng được ghi vào trang sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam” (lời đầu cuốn sách). Một dân tộc anh hùng tất sẽ sinh ra những người con anh hùng. Dân tộc Việt Nam là như thế!
Xin mời quý thầy cô và các em tranh thủ chút ít thời gian hãy đến thư viện trường để đón đọc cuốn sách này. Vì đây là tài liệu quí giúp mỗi con người chúng ta hãy tự học hỏi, vươn lên trong cuộc sống, công việc, góp phần làm cho quê hương Việt Nam giàu đẹp hơn.
Xin trân trọng phục vụ quý thầy cô và các em!